Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhPortalLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

Share|

Sự Thật Về Mâm Quay

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down
Sun May 23, 2010 3:10 pm

MrKid
I Love Every My Friends


Rồng Đỏ

MrKid

Rồng Đỏ

http://7a6sopro.co.cc
Tổng số bài gửi 386
Điểm 1699
Số Làn Được Thanks Số Làn Được Thanks : 24
Sinh Nhật 25/07/1997
Đến từ Đà Lạt
Cảm Nghĩ Cảm Nghĩ : I Love Every My Friends

Bài gửiTiêu đề: Sự Thật Về Mâm Quay

Nhiều người đặt tay lên mặt một chiếc mâm. Đọc thần chú và nó sẽ... tự quay. Trò chơi "kỳ lạ" này có ở miền Nam nước ta, được nhiều người cho là thần bí. Các nhà khoa học đã thí nghiệm và kết luận mâm quay là do... lực cơ học, chứ không phải do tác dụng thần bí nào cả.

Hiện tượng mâm quay

Trò chơi dân gian này đã xuất hiện ở nước ta từ hàng trăm năm trước, được lưu truyền chủ yếu ở một số tỉnh phía Nam (Bình Định, Lâm Đồng, Đà Nẵng..). Mâm quay có cấu tạo hình tròn, được làm bằng gỗ, đồng, nhôm hoặc thuỷ tinh.

Mâm được thiết kế đặt trên một ổ trục để giảm ma sát khi quay. Người tham gia chơi đứng quanh, đặt tay lên mâm và "ra lệnh" liên tục trong đầu: "Hãy quay"...

Quay thuận hoặc ngược chiều kim đồng hồ là do người chơi quy ước với nhau khi bắt đầu thực hành thí nghiệm. Người chơi đọc liên tục và khi thấy mâm bắt đầu quay (hoặc cảm giác mâm có xu hướng quay) thì nương theo chiều quay của mâm mà đi theo, không được cản lại. Khi mâm đã quay rồi, muốn dừng lại thì mọi người cùng đọc: "hãy dừng lại". Đọc liên tục cho đến khi mâm dừng hẳn lại mới nhấc tay ra. Như vậy, khi mọi người đặt tay lên mâm và cùng đọc khẩu lệnh thì mâm sẽ vâng lời và quay (hay dừng) theo đúng câu thần chú mọi người đang đọc.

Vậy thực sự mâm quay có hiểu được ý nghĩ của con người không?

Cuộc khảo nghiệm mâm quay

Để tìm lời giải đáp, Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) đã lập một đoàn công tác để khảo sát, tìm hiểu bản chất của hiện tượng này. Theo nhận định ban đầu của Hội đồng khoa học UIA, mâm có thể quay được khi và chỉ khi có một lực nào đó tác động vào mâm tạo ra mômen quay - lực này nằm trong mặt phẳng của mâm, có phương vuông góc với bán kính quay (tức là tiếp tuyến với đường tròn quay).

Có 4 nguyên nhân có thể tạo ra mô men này, đó là:

- Tác động của điện từ trường,
- Tác động của lực sinh học,
- Tác động của lực cơ học và
- Tác động của sức mạnh siêu hình hay cõi giới tâm linh.

Đoàn khảo sát chọn địa điểm khá nổi tiếng về hiện tượng mâm quay, là nhà hàng Phong Lan cạnh chùa Tàu, Đà Lạt, nơi báo chí nói nhiều trong những năm qua. Chủ nhà hàng dành riêng một căn phòng để chuyên biểu diễn tiết mục này.

Chiếc mâm quay làm bằng gỗ, đặt trên một ổ trục quay được thiết kế khá công phu. Chủ nhà giới thiệu đây là chiếc mâm "gia truyền", có từ thời ông nội, đồng thời giới thiệu cả cuốn sổ ghi cảm tưởng của du khách về sự kỳ diệu của mâm quay.

Trước hết, đoàn công tác lật chiếc mâm ra khỏi ổ trục quay, kiểm tra xem trong đó có cài các thiết bị có thể bị ảnh hưởng của sóng điện từ điều khiển từ xa hay không. Phương án này nhanh chóng được loại bỏ vì chẳng tìm được thiết bị nào, hơn nữa từ xa xưa, chiếc mâm đã được biểu diễn như vậy, mà lúc đó cũng chưa thể có thiết bị điều khiển từ xa bằng sóng điện từ như bây giờ. Trong đoàn khảo nghiệm còn có một số nhà ngoại cảm nổi tiếng, họ cho biết không hề tìm thấy sự can thiệp của cõi giới tâm linh trong căn phòng này.

Như vậy đã loại bỏ được hai khả năng là mâm quay được do tác động của lực điện từ và cõi giới tâm linh.

Thí nghiệm dương tính

Để tiến hành thí nghiệm dương tính, nhóm nghiên cứu đã làm theo đúng quy trình như các nhóm khác làm trước đây: Mọi người đứng xung quanh, đặt tay trực tiếp lên mặt mâm và đọc lệnh cho mâm "quay". Lần đầu ra lệnh mâm quay theo chiều kim đồng hồ. Sau hơn 4 phút đọc "thần chú", mâm từ từ quay, càng lúc càng nhanh. Sau khoảng 5 phút, mâm được yêu cầu "dừng lại". Thí nghiệm được lặp lại, nhưng ngược chiều kim đồng hồ. Lần này, chỉ khoảng 3 phút mâm đã quay và khi muốn dừng lại cũng chỉ mất hơn 1 phút.

Thí nghiệm âm tính

Cuộc thí nghiệm lần ba, giao cho mỗi người tham gia một quả cầu, cỡ quả bóng bàn. Lần này mọi người không đặt tay trực tiếp lên mặt mâm như trước mà phải đặt tay thông qua quả cầu trên mặt mâm. Các quá trình đọc "khẩu lệnh" vẫn y nguyên như trước. Nhưng kỳ lạ thay, mọi người đọc đến 30 phút mà mâm vẫn không nhúc nhích. Dù đổi "khẩu lệnh" đọc ngược lại mâm vẫn trơ trơ bất động.

Người chủ nhà rất ái ngại, thốt lên: "Từ trước tới nay, chưa có vụ nào làm thí nghiệm mà mâm không quay. Các bác là nhóm đầu tiên đọc thần chú mà mâm không chịu nghe lời".

Lý giải về hiện tượng mâm quay

Theo ông Vũ Thế Khanh, thành viên nhóm nghiên cứu của UIA, khi tay người chơi không tiếp xúc với mặt mâm mà phải gián tiếp thông qua mặt cầu, người chơi chỉ có thể tác dụng lực vuông góc với mặt mâm (mà phương này thì không gây ra mômen quay cho mâm). Quan sát kỹ các lần làm thí nghiệm, thấy rõ: người chơi dù vô tình hay cố ý đẩy tay đi thì quả cầu lập tức lăn ngay, không truyền lực ngang xuống mâm được nữa. Cách đặt lực như vậy đã làm cho mâm hết "phép lạ".

Thông qua thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu kết luận không hề có tác động của lực sinh học hay lực lượng siêu nhiên nào đó như mọi người vẫn nghĩ. Thực tế, mâm chỉ có thể quay được khi và chỉ khi người chơi đặt tay trực tiếp vào mâm tạo mômen quay cho mâm. Nếu lực này bị khử mất do quả cầu lăn thì mâm không thể quay được.

Nhưng lực cơ học gây mô men quay do đâu mà có?

Khi người chơi đặt tay trực tiếp lên mặt mâm, liên tục đọc khẩu lệnh thì tâm lý phát sinh tự kỷ ám thị, dần dần bị rơi vào ảo giác: hình như đang có lực vô hình nào đó làm cho mâm quay và cảm thấy mâm "chuẩn bị quay", nên người chơi có xu hướng nương theo chiều quay quy ước trong đầu. Khi đó, vô tình hay hữu ý đã gia tăng lực vào mặt mâm. Cứ như vậy, mâm sẽ quay càng lúc càng nhanh hơn. Đấy là chưa kể đến trường hợp trong số đó có một người cố tình đẩy cho mâm quay. Quá trình dừng mâm lại cũng theo nguyên tắc ấy mà phát sinh tâm lý tương ứng.

Như vậy, hiện tượng mâm quay là do các lực cơ học tạo ra, chẳng phải là tác động thần bí nào cả. Thật ra, người chơi chưa thực sự trong trạng thái "vô tư", chưa thực sự "vô thức". Do vậy, khi đọc khẩu lệnh họ dần bị rơi vào ảo giác và dĩ nhiên phát sinh hiệu ứng của lực "tự kỷ ám thị". Hiệu ứng này là thủ phạm gây ra lực cơ học tạo mômen quay cho mâm. Tuy nhiên, người chơi không hề nghĩ chính mình là thủ phạm, chính mình bị tự kỷ ám thị nên khi thấy mâm quay thì cho rằng do yếu tố khách quan nào đó.

Cùng thí nghiệm trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành với những người có công phu tu thiền hoặc yoga thì mâm không hề quay (vì họ đã tạo được trạng thái vô thức nên không bị chi phối bởi hiệu ứng của sự "tự kỷ ám thị").
(theo Khoa hoc)

Đã Giểu Chưa Lo Về Tập Ngồi THiền Lên Hù Sư Phụ Đi 10 10 10 10 10 10 10
----------------------------Tài Sản-------------------------------

------------------------------------------------------------------


Sun May 23, 2010 3:30 pm

MrKid
I Love Every My Friends


Rồng Đỏ

MrKid

Rồng Đỏ

http://7a6sopro.co.cc
Tổng số bài gửi 386
Điểm 1699
Số Làn Được Thanks Số Làn Được Thanks : 24
Sinh Nhật 25/07/1997
Đến từ Đà Lạt
Cảm Nghĩ Cảm Nghĩ : I Love Every My Friends

Bài gửiTiêu đề: Re: Sự Thật Về Mâm Quay

Dù để mặt bàn ở đâu thì bàn đều xoay như ý muốn người trắc nghiệm không kể tay đặt âm hay dương, không kể nam hay nữ, không kể người thành hôn hay chưa thành hôn, nam đặt tay sấp cùng nữ đặt tay ngửa.

Trong chuyến vào TP Đà Lạt năm 2006, tình cờ tôi gặp ba chiếc bàn xoay và được biết chúng xuất xứ từ một gia đình người làng An Hòa, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Điều lạ lùng là khi một mình tôi đặt tay lên chiếc bàn xoay tại nhà số 30A đường Khe Sanh thì bàn không xoay dù tôi đã ra lệnh. Phải hai người đặt tay bàn mới xoay. Nhưng khi đến khu du lịch đồi Mộng Mơ, một mình tôi đặt hai tay lên mặt bàn ra lệnh thì bàn xoay. Bấy giờ có mươi khách tham quan đang đứng vây quanh bàn. Một du khách kêu lớn: "Ông này ghê quá!". Tôi nảy ra ý định thử tìm hiểu vấn đề này.

Không chuyên về hiện tượng siêu nhiên mà có người gọi là "Ngoại cảm", "Đặc dị công năng", "Tâm linh"… tôi chỉ gặp gỡ trong một vài cuốn sách trên bước đường nghiên cứu các tín ngưỡng và tôn giáo. Tôi biết với sức lực và tri thức một mình tôi thì không thể nghiên cứu tương đối khoa học về vấn đề này. Tôi cũng không có mục đích nghiên cứu khoa học thật sự đề tài này, chẳng qua một chút hiếu kỳ lúc có cơ hội.

Đầu năm 2007, trong một dịp trở lại Đà Lạt, nhân ngày chủ nhật rảnh rỗi, tôi dự định làm một cuộc trắc nghiệm bàn xoay, dùng 4 nam 2 nữ, có người đã kết hôn, người chưa kết hôn, người có trình độ sau đại học...

Đáng tiếc đến chiều thì Đà Lạt đổ mưa chỉ còn tôi và một nam tài xế taxi tên là Nguyễn Anh Tuấn đi nghiên cứu. Nhờ một cán bộ khoa Đông Phương giúp đỡ, tôi được Tạ Hoàng Giang, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Du lịch đồi Mộng Mơ giúp đỡ tận tình. Nếu không có anh việc nghiên cứu khó lòng được như đã làm.

Kế hoạch của tôi là trắc nghiệm từng cá nhân đặt một tay, hai tay, một ngón tay lên bàn xoay. Tay đặt sấp ngửa, nam nữ thay nhau để kiểm tra khả năng có tác dụng âm dương hay không. Đo đạc và cân mặt bàn để tìm hiểu lực cản. Đo tốc độ di chuyển của bàn nhanh chậm. Nhưng việc đo tốc độ không thực hiện được vì thiếu trợ lý. Những chiếc bàn xoay đều là đối tượng khai thác khách tham quan nên không thể tiếp tục nghiên cứu làm ảnh hưởng kinh doanh của chủ nhân chiếc bàn. Thời gian nghiên cứu dài nhất là chiếc bàn xoay ở đồi Mộng Mơ.

Cả 3 chiếc bàn được tôi chọn trắc nghiệm đều cùng một mô thức: 3 chân nhỏ đỡ thân bàn là một trụ gỗ tròn mà đầu trụ đút vào một lỗ tròn dưới mặt bàn làm trục cho mặt bàn xoay. Cả 3 bàn đều như thế và mặt bàn đều là ván ghép chứ không phải một tấm gỗ tròn nguyên vẹn. Dưới mặt bàn đều có 2 thanh gỗ dài nhỏ ghép đỡ mặt bàn và cùng hai đoạn gỗ ngắn cấu tạo thành một ô tứ giác, trong đó có lỗ trục hình tròn. Độ tròn 3 mặt bàn đều không hoàn toàn chuẩn nhưng không sai số lớn nên nhìn mắt thường đều tròn.

Theo nhìn nhận của tôi thì 3 chiếc bàn cùng một loại gỗ đen sẫm thớ rất mịn, không biết gỗ gì nhưng có lẽ không phải gỗ tạp mà cũng không phải tứ thiết. Khác biệt chăng là bàn cao thấp khác nhau, đường kính mặt bàn khác nhau, độ dày mặt bàn khác nhau.

Kích thước cụ thể của chiếc bàn xoay ở đồi Mộng Mơ như sau: cao 87cm, đường kính mặt bàn 74cm, mặt bàn dày 1,7cm, mặt bàn cân nặng 8,5kg.

Lần lượt trắc nghiệm 4 người: đặt 1 tay, 2 tay, úp bàn tay và ngửa bàn tay, dùng suy nghĩ khiến bàn xoay quay trái phải nhanh chậm dừng, không cần nói to thành lời.

Hiệu quả là tất cả các trường hợp trắc nghiệm: mặt bàn đặt trên trục bàn, mặt bàn úp sấp trên ghế nhựa, mặt bàn để ngửa trực tiếp trên sàn gạch men, mặt bàn đặt nghiêng trên sàn gạch men thì bàn đều xoay như ý muốn người trắc nghiệm không kể tay đặt âm hay dương, không kể nam hay nữ, không kể người thành hôn hay chưa thành hôn, nam đặt tay sấp cùng nữ đặt tay ngửa.

Về chiếc bàn xoay nhà bác Trần Mến, anh Tạ Hoàng Giang nói: Bàn xoay này do bác Trần Mến, 47 tuổi, cổ đông sáng lập Công ty Du lịch đồi Mộng Mơ mang đến. Bác Trần Mến là người xã Hoài Phú, gần thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định mua bàn xoay ở xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bác Mến lập nghiệp bằng bàn xoay. Hiện tại, nhà bác còn một chiếc bàn xoay nhỏ hơn.

Nguyễn Anh Tuấn và tôi tiến hành trắc nghiệm kết quả giống như chiếc bàn xoay ở đồi Mộng Mơ.

Chúng tôi đến nhà bác Lưu Xuân Ưởng ở số 30A đường Khe Sanh. Bác 60 tuổi, người xã Trực Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định thuê gian nhà này để kinh doanh bàn xoay. Bác cho biết, bác mua chiếc bàn xoay này của ông Nguyễn Tại thôn An Hòa, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bác Ưởng biểu diễn để mặt bàn lên ghế nhựa cho xoay.

Do khó khăn về thời gian và người giúp việc nên tôi chỉ trực tiếp trắc nghiệm nhiều lần chiếc bàn xoay ở đồi Mộng Mơ, trắc nghiệm một vài lần ở hai bàn xoay sau, còn lại là do chủ nhân các bàn xoay và Nguyễn Anh Tuấn tiến hành.

Các cuộc trắc nghiệm còn ở dạng quá thô sơ và vì nhiều lý do nên chưa thực sự kỹ càng. Tôi thừa nhận trắc nghiệm chưa đủ giá trị khoa học. Nhưng dù vậy, tôi nhận thấy: Quả có một năng lượng từ trong thân thể tôi phát ra và tôi điều khiển được bàn xoay một mình theo ý muốn của tôi.

Luồng năng lượng đó thắng được trọng trường 8,5kg (trọng lượng mặt bàn xoay) và hướng tác động vào bàn xoay tùy thuộc ý chí của tôi. Điều này giống như khi tôi điều khiển con lắc. Để con lắc cách bàn tay trái một người nam vài xăngtimét thì nó quay vòng tròn khi úp sấp bàn tay, lắc dọc khi đặt ngửa bàn tay; với tay phải nam giới thì lắc dọc khi úp sấp, xoay tròn khi lật ngửa bàn tay; đối với nữ thì ngược lại… Điều này đã có tài liệu nói đến.

Nghĩa là hướng con lắc di động tùy theo âm hay dương của bàn tay và nam hay nữ; tuy nhiên tôi cũng có thể khiến cho con lắc đứng yên theo ý chí của tôi. Nhưng trường hợp bàn xoay thì không phân biệt âm dương. Đáng tiếc, tôi đã không mang theo con lắc khi trắc nghiệm bàn xoay. Nhưng có lẽ con lắc và bàn xoay là hai hiện tượng khác nhau? Chúng chỉ giống nhau ở một điểm là ý chí con người có thể điều khiển được sự vận động của cả bàn xoay lẫn con lắc.

Bàn xoay cũng có hiện tượng người trắc nghiệm vô tình đẩy khi bàn đã xoay đưa cánh tay chạy ra xa mà người trắc nghiệm chưa kịp bước theo; hoặc giả người trắc nghiệm cố ý đẩy bàn xoay.

Không phải ai cũng một mình điều khiển được bàn xoay. Theo chủ nhân của 3 chiếc bàn xoay thì số người như thế không ít, nhưng đa số phải 2 người mới điều khiển được bàn xoay. Hơn 40 nam nữ sinh viên năm thứ nhất Khoa Hàn Quốc học thuộc Trường Đại học Đà Lạt không ai một mình điều khiển được bàn xoay.

Năm 2006, tôi không điều khiển được bàn xoay nhà 30A Khe Sanh nhưng ngay sau đó đến đồi Mộng Mơ thì một mình tôi điều khiển được chiếc bàn xoay ở đây. Như vậy là có vấn đề sức khỏe của người trắc nghiệm.

Lái xe Nguyễn Anh Tuấn là một thanh niên cường tráng đã tình cờ thành người trắc nghiệm chính của tôi. Anh cho biết thường xuyên đưa khách tham quan bàn xoay và lần nào một mình anh cũng điều khiển được bàn xoay.

Đã có một số sách báo viết về loại năng lượng này. Nói chung, tôi đọc không nhiều và không chuyên. Các tác giả sách báo đó đề cập đến hào quang con người, nhân điện, trường sinh học, trường năng lượng con người, trường năng lượng vũ trụ (ESP), năng lượng sinh học, bioplasma… khá phức tạp và trắc nghiệm khoa học với máy móc tinh vi, đưa ra những trị số khác nhau của năng lượng đó. Nhưng không có điều gì giải thích hiện tượng bàn xoay và cũng chưa đề cập đến hiện tượng này dù có bàn về Psychokinesis (PK tức Viễn di sinh học).

Tôi đề nghị các nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực tiềm năng con người tổ chức một dự án nghiên cứu kỹ càng hiện tượng bàn xoay một cách tỉ mỉ, khoa học, phối hợp nhiều nhà chuyên môn nhiều lĩnh vực hữu quan.

Các hiện tượng cận tâm lý (Parapsychology) đều cận khoa học đều là hiện tượng siêu việt (Paranormal) đã được tiền nhân cảm nhận như trong Yoga, Khí công, Thiền định, Cầu cơ… nay cần trắc nghiệm khoa học. Vì là hiện tượng siêu việt nên dễ bị người ta lừa gạt kẻ cả tin. Những trắc nghiệm ở Trung Quốc tiến hành mươi năm gần đây đã chứng minh điều đó. Nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, hợp tác chân thành thì hiện tượng bàn xoay sẽ có đóng góp cho việc nghiên cứu cái mà nay gọi hỗn tạp là Ngoại cảm (ESP).
----------------------------Tài Sản-------------------------------

------------------------------------------------------------------

Sự Thật Về Mâm Quay

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: -‘๑’-Báo Chí, Tin Tức-‘๑’- :: -‘๑’- Tin 360 -‘๑’--
Copyright © 2007 - 2010, wWw.A2Bmt.cOm
Founded by Mr.FR
Developed by A2's Members.
Powered by phpBB2 - GNU General Public License
Copyright © phpBB Group. Host in France. Support by Forumotion

Xem tốt nhất ở độ phần giải lớn hơn 1280x1024 và trình duyệt Firefox
Get Firefox Now Get Windows Media Player Now
Free forum | Khoa học | Giáo dục, giảng dạy | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất